Thương trường, chính trường, tình trường cũng như ra ngoài đường, suốt ngày quay quanh cọc lợi ích, đua tranh, chiếm hữu… nên mâu thuẫn, va chạm, tranh chấp… là điều gần như không thể tránh khỏi.
Dù luật, lệ, có cụ thể hoá các nguyên tắc hành xử, quy định rõ ràng ra làm sao… thì khi mâu thuẫn xảy ra, ai cũng có lý lẽ của riêng mình. Hơn cả lý lẽ, còn có cái tôi, lòng tự trọng… nên đôi khi va chạm rất nhỏ, nhưng lại làm bùng lên những mâu thuẫn rất lớn, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Vì thế người xưa bảo thủng nhỏ đắm thuyền, một điều nhịn chín điều lành là vậy.
“Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mâý người đưa”. Nên sự thật là bằng hữu, tri kỷ là rất ít, cũng vì thế mà hạn chế kỳ vọng qúa nhiều ở người khác để rồi mang thất vọng cho chính mình. Thay vào đó, nên học thích nghi với những thay đổi như một lẽ tất yếu. Không thể hợp tác, cộng tác được với nhau thì lặng thinh mà rời đi, cái gì tránh được thì ưu tiên tránh, nếu bạn thực sự đúng, thượng đế sẽ tự khắc mang đến cho bạn những điều lớn lao hơn. Và ngược lại.
Va chạm, mâu thuẫn và chia tay, đôi khi làm con người ta tổn thương, mất mát… nhưng đôi khi bạn cần học cách lạnh lùng, quên mau, thậm chí là tàn nhẫn một chút. Vì chỉ khi một lỗ trống thực sự sẵn sàng thì mới có cơ hội cho những điều mới mẻ điền vào. Sự lưng chừng, tiếc nuối, dở dở ương ương sẽ trở thành gánh nặng mà thôi.
Cho dù thế nào đi nữa, có máu chiến tới đâu đi nữa, thì bằng trải nghiệm cá nhân, tôi có mấy đúc kết như sau:
1. Va chạm, cho dù giải thích theo cách nào đi nữa thì nó cũng rất tồi tệ. Cho dù thắng hay thua thì cũng chẳng đáng tí nào. Nó chỉ làm tổn thất, gián đoạn hiện tại và mai một tương lai. Nên tránh được thì vẫn ưu tiên tránh. Cho dù bạn to lớn tới đâu, bạn đấm người khác một đấm, họ có thể không phản công lúc đó, nhưng chưa chắc bạn sẽ an toàn về sau. Cuộc sống luôn có những bất ngờ.
2. Muốn tránh được một va chạm về sau, hãy chọn cẩn trọng hết mức có thể ngay khi bắt đầu. Thường, người đó là một mảnh ghép sẽ có ý nghĩa hơn là sự giống nhau. Như nam châm, âm – dương sẽ hút mà cùng cực thì đẩy. VD: Một người tham vọng làm chủ, rất khó ghép với một người cũng luôn mang tham vọng làm chủ, cùng một mục tiêu, họ có thể cùng nhau lúc ban đầu khi còn khó, nhưng khi tự chủ được rồi thì họ lại trở thành cùng một điện cực, đẩy nhau, nên rất khó để có một kết cục đồng giải nhất. Vì vậy, cần xác định ngay từ đầu, ai sẽ làm chủ và ai là người hỗ trợ thầm lặng, có như thế mới đi đến thành công chung.
Tiếc rằng, nhiều người được ưu ái làm chủ, lại tham lam, tự phụ, không ghi nhận sự hy sinh của người khác, chỉ mãi lao về phía trước, để rồi mọi thứ cũng chẳng thể đi về đâu. Ngay cả vợ chồng cũng không khác mấy, của chồng công vợ là vậy. Đôi khi của của mình, gia tài của mình, địa vị của mình… nhưng công lại là của rất nhiều người khác. Nếu mình được chọn làm chủ thì tìm đúng người sẵn sàng đứng sau và học cách biết ơn họ. Nếu mình được chọn là người đứng sau thì cần chọn đúng người chủ biết nghĩ cho người khác và luôn học cách tỉnh táo để những hy sinh được đặt đúng chỗ.
3. Trong tất thảy va chạm, bạn có thể va chạm với nữa thế giới, thậm chí là cả thế giới… Nhưng có 2 người bạn tuyệt đối tránh. Người thứ nhất chính là người bạn thân cận nhất trong công việc (tuỳ người mà đó có thể là một trong số sau: đồng nghiệp, đồng sáng lập, trợ lý…). Người thứ hai là người gần bạn nhất trong cuộc sống (vợ/chồng, hồng nhan tri kỷ, bạn thân chí cốt…). Đơn giản, họ chính là người bạn chọn và cũng là người gần bạn nhất, hiểu bạn nhất. Bạn đối đầu với họ thì khác nào đang đối đầu với lựa chọn của mình, hay nói cách khác là đang đối đầu với chính mình. Thực tế, các bạn sẽ không lấy làm lạ trước sự khốc liệt của các cuộc tranh chấp của những cặp đồng sáng lập, vợ chồng…
***
Chúc các bạn luôn yêu và cùng nhau xây dựng, bảo vệ và gìn giữ hoà bình.
Thanks.