Trong giao tiếp cũng như viết lách, khi cần nhấn mạnh hay làm nổi bật… người ta hay dùng kỹ thuật cường điệu, như đẹp thì thành rất đẹp, đẹp quyến rũ… vốn như một gia vị cần thiết trong ngôn ngữ. Tuy nhiên, ngày nay, sự bóng bẩy ấy đã bị lạm dụng ở cấp độ lạm phát bằng những vĩ từ: Đẹp, xinh, dễ thương thôi là không đủ, phải là Nữ hoàng. Tốt, trách nhiệm thôi là chưa đủ, phải là giàu trắc ẩn, nhân cách sống tử tế. Là tiêu biểu, tiên phong, thậm chí số , dẫn đầu là chưa đủ, mà phải là Vua, là Chúa tể…
Tôi biết không ít công ty, chỉ vỏn vẹn vài ba năm hoạt động tốt, vừa thành lập được dăm ba đơn vị thành viên, nội bộ vẫn ngổn ngang, hệ thống chưa vững vàng, doanh thu chưa ổn định… nhưng đã liền thay đổi toàn bộ định vị từ thương lẫn nhân hiệu, công ty thành Tổng công ty, Tập đoàn, và theo đó không ít anh/chị chưa từng xem qua một điều lệ đã in lại toàn bộ danh thiếp với chức danh Nhà sáng lập, Chủ tịch, TGĐ tập đoàn…
Chưa kể hằng hà những vĩ từ vốn dĩ rất khó để hiểu, khó để có thể dùng được, như: Khát vọng, Tầm nhìn, Sứ mệnh, Phụng sự, Tỉnh thức, Chiến lược… thì ngày nay, những vĩ từ ấy lại được sử dụng theo cách phổ thông nhất. Ví dụ nhỏ là nhiều việc chỉ đơn giản là một mục tiêu cần hoàn thành trước khi chuyển sang hạng mục khác thì trong giao tiếp thông thường ở cấp bộ phận đã là “Chiến lược, chiến lược, và chúng ta cần có chiến lược…”, làm anh em nhân viên bên dưới họp hành xong, cũng không thể hiểu được chiến lược là gì và cần phải làm gì thì mới gọi là chiến lược.
Có đôi lần tôi dự ở các diễn đàn, có một vài diễn giả đã không ngần ngại tung ra các vĩ từ, và viện dẫn theo đó là các mô hình kinh doanh, các ví dụ, các case study của các tập đoàn to lớn, và cả những câu nói dẫn chứng cho sự vĩ đại ấy… trong khi bên dưới phần lớn là các bạn chỉ mới bắt đầu bước chân vào hành trình kinh doanh, chưa biết làm sao để có thể nuôi sống được doanh nghiệp dăm ba người, và cũng không ít trong đó là các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Một dịp nọ, tôi ngồi với một người anh khá uy tín trong lĩnh vực biên tập và xuất bản, biết tôi cũng thích viết nên anh chia sẻ với tôi rằng “Một người bình thường sẽ dùng phổ biến trong phạm vi 3000 từ vựng, Đại thi hào Nguyễn Du có thể dùng đến 60 nghìn từ… nhưng Bác Hồ chỉ thường dùng vỏn vẹn trên dưới 2000 từ”. Và ngôn ngữ hay nhất là “ngôn ngữ ai cũng có thể hiểu được” – Anh nói.
Cũng có lần giúp bạn phụ trách marketing “nhặt sạn” một bài viết, tôi hỏi bạn ấy vì sao mình lại cần dùng đến vĩ từ hả em? nó thực sự tốt cho mục đích chuyển tải nội dung? hay chỉ vì cảm thấy nó hay, nó bóng bẩy, nó thu hút?
Tôi chia sẻ đến bạn lạm dụng vĩ từ cũng như mặc áo quá khổ, cho dù có là đồ hiệu đi chăng nữa thì trước tiên nó cũng phải vừa với mình trước đã. Vĩ từ không những khó hiểu mà còn làm cho mọi thứ trở nên xa xôi, khó với tới hơn rất nhiều. Đặc biệt trong giai đoạn khởi nghiệp, giai đoạn của sự chập chững thì cần hơn hết là sự dễ thương chứ không phải là sự vĩ đại, mà dễ thương nào được làm nên từ vĩ từ cơ chứ?
“Khoẻ không phải là nhất lên mạnh mà là đặt xuống nhẹ”
Nên nếu bạn thực sự khoẻ, bạn sẽ làm mọi việc không phải trông rất vĩ đại mà là trông rất nhẹ nhàng.
Và ngôn từ cũng vậy, “khoẻ” của ngôn từ không phải là biến một điều lý ra rất đơn giản thành những vĩ từ đao to búa lớn, mà là có thể diễn đạt một vấn đề dù có phức tạp đến chừng nào cũng trở nên rất dễ hiểu và dễ gần, theo cách đơn giản nhất.
Thank you
Tuấn Trần.
24/9/2024