“Tri nhân, tri diện bất tri tâm”, tức ta chỉ có thể nhìn thấy những gì thể hiện ra bên ngoài của một người thôi, phần còn lại của người đó, như tâm tánh, toan tính, thật hư thế nào thì chỉ tới khi đụng chuyện, tới khi có những mâu thuẫn về lợi ích… thì mới có thể lộ ra được. Khổ chủ là đợi tới khi đụng chuyện mới biết thì quá muộn, mà phó mặt cho đánh loto, phó mặt may mắn thì bị động quá, nên làm thế nào để xác xuất chọn trúng một nhân sự, một đối tác để đi được lâu dài luôn là yếu tố cần thiết.

Nhân chủ đề này, tôi kể các bạn nghe câu chuyện của ngày hôm qua. Đó là câu chuyện lần đầu tiên trong đời tôi làm việc mình không chuyên, cũng không biết gì về nó – viết một cuốn sách. Sau nhiều năm viết, sắp xếp lại, cuối cùng trên tay tôi là một bản thảo, thực sự nó quá dày công và quan trọng với tôi, và giờ tôi sẽ làm gì với nó đây? Tôi sẽ mang nó đưa cho ai, “chọn mặt ai để gửi vàng?” Nhà xuất bản nào, ai là người có thể giúp tôi biến nó thành một cuốn sách mà tôi thực sự chờ đợi ngày qua ngày trong suốt hành trình hơn năm năm trải nghiệm, cưu mang?
Để yên tâm trước khi quyết định, tôi đã nghiên cứu, tìm tòi, hỏi đủ người, mỗi nhà xuất bản, mỗi người chủ, mỗi tính cách… thầy tôi giới thiệu người này, đồng nghiệp tôi, bạn tác giả kia giới thiệu người khác, với đủ góc nhìn, phân tích… Hơn thế nữa là tôi đã dành thời gian ra ngồi đồng ở đường sách SG, xem nhà sách nào, giới nào ra vào, nhiều hay ít, cách bày trí ra làm sao, chủ là ai, rồi lên mạng tìm hiểu người sáng lập, lịch sử hình thành, phát triển, những đầu sách mình từng biết…
Cuối cùng, càng nhiều thông tin, càng khó quyết định, có khi làm liều lại hay. Và rồi, tới lúc quyết thì phải quyết thôi, hôm đó tôi quyết định gọi cho anh Nguyen Tuan Quynh, sáng lập Sài Gòn Books. Và anh em quyết định hợp tác với nhau, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Có điều, sau khi tôi viết bài chia sẻ về sự kiện này trên facebook thì tôi nhận được một ít phản hồi, của vài người có uy tín, có trách nhiệm và trân quý tôi. Trong đó có hai ý kiến làm tôi rất lưu tâm, họ khuyên tôi không nên hợp tác với Sài Gòn Books, với những lý do rất cụ thể và rõ ràng.
Dù thể hiện ra bên ngoài, tôi vẫn không có bất kỳ thay đổi nào, nhưng tự bên trong, tôi bắt đầu cảm thấy lo lo, lo cũng phải thôi, vì cuốn sách thực sự quá quan trọng với tôi. Sáng hôm đó, lúc này là giữa tâm dịch, cách ly, mọi việc chỉ online, tôi pha một ly cafe và ngồi tự suy xét lại tất cả những gì nghe được, và trực giác tự hiện lên, mách bảo tôi rằng là, tất cả những gì tôi nghe thấy, không đủ để phán xét, và cũng là những dữ kiện không liên quan gì tới mối quan hệ, hay sự hợp tác giữa tôi và anh Quỳnh. Tôi không lý giải được bằng con chữ, vì trực giác là trực giác, nó có nguyên lý hoạt động rất riêng của nó, đơn giản nó bảo tôi là “ổn cả thôi”, có những lúc, tôi cho phép tin tuyệt đối vào trực giác của mình. Và từ đó, tôi bắt đầu toàn tâm toàn ý vào công việc của một cuốn sách.
Cuốn sách thực sự trải qua một hành trình vô cùng gian khó. Thứ nhất, tôi là một tác giả nghiệp dư, gốc kỹ thuật, nên bản thảo của tôi chỉ là một mớ hỗn độn, cần phải gia công lại rất nhiều. Thứ hai, trong điều kiện đỉnh điểm của dịch bệnh, ngoài kia là sóng gió, cách ly, với những bản tin màu xám mỗi ngày, lòng người trĩu nặng, không ai muốn làm việc, chẳng nơi nào muốn vận hành sản xuất, in ấn. Thứ ba là những yêu cầu của tôi thực sự quá khắt khe, từ căn bệnh nghề nghiệp để lại sau hơn 10 năm làm quản lý chất lượng, tôi yêu cầu nào giấy, nào phân trang, nào thiết kế, nào màu sắc, nào độ nét, loại mực in… Ấy vậy mà, tất cả vấn đề đó, đều được Sài Gòn books giải quyết tới nơi tới chốn. Và cho tới lần in tái bản này, cầm cuốn sách trên tay, tôi thực sự mãn nhãn với tác phẩm của mình. Tôi gần như không còn gì để có thể yêu cầu thêm ở Sài Gòn books.
Nên đôi khi, trước những thông tin đa chiều, trước những hoàn cảnh mà ai cũng có lý, không biết tin vào ai cả, trước những quyết định khó khăn – trực giác lại là nhân tố thay ta để có những quyết định chuẩn chỉnh nhất.
Nên có những lúc, bản thân trí tuệ, kinh nghiệm không giải quyết được thì bỏ đó, đi uống cafe, hoặc ngủ một giấc, hoặc đi chơi… phần còn lại của thế giới, hãy để hệ thần kinh thực vật, trực giác giải quyết.
Thanks.
Tuấn Trần.
Tham khảo thêm các chia sẻ khác của tác giả tại đây
Truy cập vào website để không bỏ lỡ các bài viết hay khác