Khó khăn, thiếu hụt, sản phẩm không phù hợp, năng lực không tới, nguồn lực không đủ… đây là những nguyên nhân rất đổi thông thường dẫn tới một thất bại. Thất bại dạng này cho phép sửa sai, hiệu chỉnh từng bước… về lâu dài, ai đủ kiên nhẫn, lắng nghe, cải tiến, thích nghi tốt thì trụ được, cho đến khi gặp được một điểm rơi may mắn thì thành công sẽ đến. Bách nhẫn thành kim là vậy. Những người đi được đến đây vốn đã hiếm (5%), ấy vậy mà, một mối nguy lớn hơn rất nhiều lại đang chờ sẵn họ phía trước, đó là “ngưỡng ngáo”.
Ngược lại với ngưỡng mà một người có thể chống chọi được với áp lực, khó khăn… thì ngưỡng ngáo lại dùng để đo khả năng chịu được sự hưng phấn đến từ thành công, tới mức mất kiểm soát, cuồng ngôn và hoang tưởng, để rồi trả giá cho một thất bại thảm thương.
Tôi đã từng chứng kiến không ít người, họ có khả năng nhẫn nhịn, kiên trì, cố gắng, nếm mật nằm gai trong suốt 15-20 năm ròng, trải qua không biết bao cảnh thập tử nhất sinh, ấy vậy mà họ vẫn chạm được tới những thành công nhảy vọt.
Nhưng rồi, sự nhảy vọt, tăng trưởng nóng đã đẩy họ vào một trạng thái lân lân, lúc nào cũng thừa tự tin, hơn người, rồi đặt mình vào vị trí trung tâm… để rồi từ đó, những ngôn từ cầu thị, lắng nghe ngày nào được thay thế bằng ngôn ngữ chỉ chỏ với chỉ đạo, tầm nhìn với chiến lược. Những con số được tính toán, cân đối kỹ lưỡng được thay thế bằng những chỉ số tuyến tính kịch khung. Tăng trưởng ngày hôm sau làm lu mờ những mối nguy ngày hôm trước. Cứ thế, tai họ chỉ còn thích nghe những điều muốn nghe, mắt chỉ thích thấy những điều muốn thấy, tay họ chỉ còn thích sờ những điều muốn sờ… Đó là một cơn lốc rất khủng khiếp, cuốn họ về ngưỡng ngáo, như một con nghiện của lòng tự tôn, họ sẽ xé toạc những ai dám cản đường, cho dù người đó đã từng là gì với họ.
Nhưng rồi, nhanh thì 1 năm, chậm thì 2-3 năm, những anh hùng sẽ không vượt qua được cái ngưỡng ngáo này, để rồi từ từ “bỏ mạng”, tất thảy bao nhiêu công gầy dựng, tích lũy… cứ thế mà trôi theo sông nước.
Không phải thất bại nào cũng có cơ hội làm lại, nên may mắn thì nó đến sớm, mức độ vừa phải để kịp làm lại, còn không là trả giá hết một đời người.
Trong cuốn “Những kẻ xuất chúng”, Marcolm Gladwell đúc kết được công thức 10.000h, nghĩa là, một người muốn có một thành công thì cần trải qua mười nghìn giờ tập trung, nỗ lực, vượt khó… Sau một thời gian quan sát, tôi thấy việc rèn luyện, kiểm soát để một người có thể vượt qua được ngưỡng ngáo này cũng mất thời gian và công sức không hề thua kém.
Những ai đã từng trải qua thì sẽ rất thấm, lúc khó khăn nhất không phải là lúc đáng sợ nhất. Đáng sợ nhất là lúc người người, tiền tiền, tài tài nó cứ ùn ùn kéo tới.
“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cuối đầu” là vậy. Nói nghe thì rất dễ, nhưng để làm sao cho cái sông của mình nó ngày một sâu, tâm trí ngày một chín thì đúng là khó đến vô cùng.
“Buồm nữa cánh thuyền đi thong thả
Cương vừa dong vó ngựa mới hay”
P/s: Bài viết tự sự cho bản thân, để nhắc nhở mình mỗi ngày.