Giới thiệu

Trải qua quãng thời gian 02 năm kể từ khi ấp ủ dự định viết sách cùng với những trải nghiệm, đúc kết trong suốt 15 năm kinh nghiệm “thực chiến”, tất cả được gói ghém qua lăng kính và khả năng câu từ của một người xuất thân kỹ thuật không hơn không kém, tác giả hy vọng những chia sẻ và kiến thức có được qua cuốn sách này sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực cho các bạn trẻ, cho những ai chuẩn bị, đã hoặc đang trên hành trình “Về quê LẬP NGHIỆP”.

Đặc biệt, tác giả muốn dành tặng riêng cho quê hương Quảng Ngãi với tất cả tình cảm, sự biết ơn và trân quý cùng tâm niệm: viết vì quê hương cần bạn, và bạn cũng cần nơi “đi để trở về”.

Vì sao tôi viết sách này?

1. Tôi tin rằng 25-40 tuổi là khoảng thời gian quan trọng nhất, quyết định sự nghiệp của một người. Sức khoẻ, sức trẻ, sự nỗ lực, những quyết định quan trọng, những lựa chọn lớn đều nằm hết trong khung tuổi này. Tôi thực sự đã “cháy” hết mình trong suốt thời gian ấy nên rất thấu hiểu.

2. Tôi muốn truyền cảm hứng đến bất kỳ ai có thể viết. Tôi tin rằng kiến thức mỗi khi được ghi chép lại để “cho đi”, sẽ tạo nên những giá trị lớn không những cho những ai cần tới nó mà xa hơn là cho cộng đồng, xã hội, cho đất nước.

3. Cuộc sống vô thường, tôi đã từng chứng kiến đôi lần sự “chia ly” quá đỗi bất ngờ, nên tôi muốn được sống một cuộc đời có ích, có cái gì đó để lại, trước tiên là cho chính bản thân tôi, cho các con, sau đó là cho bạn đọc…

4. Tinh thần Made in Việt Nam. Văn hoá đọc đang tốt hơn mỗi ngày, nhưng sách của tác giả Việt thực sự còn rất ít, đặc biệt là các chủ đề liên quan đến kinh doanh, quản trị. Tôi thiết nghĩ nhập khẩu kiến thức, kinh nghiệm, tinh hoa của các tác giả xứ bạn là rất tốt, tuy nhiên, văn hoá, những nét đặc trưng của mỗi nơi, mỗi miền sẽ khác, do đó, tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ kiến thức của mình để các bạn có thêm tài liệu tham khảo, áp dụng hài hoà đông – tây.

5. Viết cũng là cách để Tôi rèn luyện cho não, giúp các phân vùng não liên kết với nhau tốt hơn, sâu hơn. Viết giúp tôi trở nên nhạy bén, sâu sắc hơn rất nhiều, hiểu việc, hiểu người nhanh hơn, nhờ đó mà cách tiếp cận vấn đề cũng tốt hơn.

6. Viết cũng giống như tập thể dục, khởi động một ngày làm việc thông minh. Nhờ viết mà lúc nào trông tôi cũng giàu năng lượng, nghĩ ra được nhiều cái mới, ít bị stress hơn.

7. Cuối cùng, tôi viết cuốn sách này để kính tặng Ba Má như lời tri ân sâu sắc công ơn sinh thành, dưỡng dục mà cả cuộc đời ba má đã dành cho tôi. Tặng hai con của tôi, hai con đã cho tôi động lực để viết nên ước mơ cuộc đời mình, cho tôi niềm tin để tôi luôn vững bước trên hành trình chinh phục ước mơ ấy.

Vì sao tôi đặt tên cho cuốn sách là “Về quê lập nghiệp”

Trước những lựa chọn đặt tên cho cuốn sách: “Bỏ phố về quê”, “Về quê khởi nghiệp”, và cuối cùng là “Về quê lập nghiệp”, tôi đã cân nhắc rất nhiều. Trong lựa chọn thứ nhất, từ “bỏ” tạo cho tôi cảm giác khá nặng nề, “bỏ” tức có điều gì đó làm ta không hài lòng, không còn cảm thấy yêu nữa nên ta bỏ. “Bỏ phố” dễ làm bạn đọc liên tưởng về một Sài Gòn chật chội, kẹt xe, khói bụi và stress…  khi đó, “về quê” có vẻ là một giải pháp được chọn để an nhàn, tận hưởng cuộc sống thanh bình, hòa mình vào thiên nhiên… Thực tế không phải như vậy, Sài Gòn không “màu xám” như thế, và ở quê càng không “màu hồng”. Bên cạnh những cái được ở trên… thì ở quê cũng có nhiều trở ngại không kém như: hạ tầng y tế, giáo dục, dịch vụ còn nhiều hạn chế, kiếm việc, kiếm tiền vất vả hơn nhiều, kiến thức nhanh mai một…

Khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn đi đi về về giữa Quảng Ngãi – Sài Gòn, trong mắt tôi, Sài Gòn rất sẻ chia và bao dung, là nơi nhân tài hội tụ. Dù tôi đã về quê từ năm 2006, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, tôi vẫn duy trì kết nối, làm việc và kiếm tiền ở Sài Gòn, tính đến nay, tôi đã gắn bó với Sài Gòn 20 năm tròn. Tại Quảng Ngãi, gia đình tôi vẫn ở đó, đứa con tinh thần Tuấn Minh sport của tôi vẫn đang được săn sóc tốt, vẫn cần mẫn ngày đêm phục vụ quê nhà. Những ngày tháng này, tôi như đang trải nghiệm sống giữa 2 thế giới, một Sài Gòn – một Quê. Tôi nhận ra rất rõ dù chọn sống và làm việc ở đâu, bạn cũng cần nỗ lực hết mình, cần kết nối, cần giao thương… Không có nơi nào trên thế gian này là màu hồng tuyệt đối hay màu xám tuyệt đối cả. Xám hay hồng, tất thảy đều tùy thuộc vào góc nhìn và thái độ của bạn đối với cuộc sống này mà thôi.

Nếu ngày hôm nay, bạn “bỏ phố” vì ghét khói bụi để về quê yêu “cái nhàn”, thì chẳng mấy chốc, ít thì vài tháng, nhiều thì vài năm, bạn cũng có thể “bỏ quê” vì ghét nghèo để vào phố thị tìm “phồn hoa”.  Từ “bỏ”, với tôi nó thiên về cảm xúc nhất thời hơn là một lựa chọn có kế hoạch, “bỏ” nó nặng nề và kém bền là vậy.

Thay vào đó, tôi quyết định chọn từ “về quê” để thay cho “bỏ phố”. Về quê, hiểu theo nghĩa hẹp là một ai đó quyết định rời nơi đất khách để về định cư, làm việc tại thôn xóm, nơi mình sinh ra. Tuy nhiên, trong phạm vi cuốn sách, tôi mong được gửi gắm đến bạn đọc một ý nghĩa rộng hơn, “quê”, không nhất thiết phải bó hẹp trong thôn xóm, có thể hiểu rộng ra là tỉnh nhà, bạn hoàn toàn có thể về thành phố thuộc tỉnh bạn để bắt đầu hành trình lập nghiệp. Với những bạn đang ở năm châu bốn bể thì quê có thể hiểu là đất nước Việt Nam. Về quê, còn có thể hiểu là có ra đi mới có trở về. Ra đi để học tập, để rèn luyện, để kết nối, để tích lũy… rồi về quê để sống, làm việc, hơn thế nữa là về đầu tư, về phụng sự.

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (*) Chế Lan Viên

Về quê là vậy, nhưng về để “khởi nghiệp” hay về để “lập nghiệp”, tôi đã suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ việc nên hay không nên chọn từ “khởi nghiệp”. Đến nay, cách hiểu thế nào là “khởi nghiệp” vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận phổ biến nhất, thì “khởi nghiệp” thường ý chỉ một bạn hoặc một nhóm bạn có một ý tưởng mới, rồi nỗ lực biến ý tưởng đó thành hiện thực, kết quả là hướng đến một dự án kinh doanh thành công nổi bật, ví dụ như: ý tưởng về dự án trang trại, home stay du lịch, chuỗi quán ăn, chuỗi café, ứng dụng trên điện thoại, sản phẩm công nghệ mới… Theo đó, các chương trình gameshow gọi vốn, hội thảo chuyên đề, các cuộc thi tuyển, chia sẻ, chương trình hỗ trợ, bài viết trên sách báo, diễn đàn… cũng dựa trên tinh thần đó. Nói chung, “khởi nghiệp” đã và đang gắn liền với một điều gì đó lớn lao, gắn liền với giấc mơ, hoài bão làm chủ. Tỷ lệ thành công của khởi nghiệp là rất thấp, con số quân bình đáng tin cậy từ 3-5%, với những điều kiện kém thuận lợi như ở quê so với thành thị, thì tỷ lệ đó còn thấp hơn rất nhiều.

Tôi tin rằng “khởi nghiệp” là một lựa chọn đặc biệt chứ không phải một lựa chọn phổ quát, muốn khởi nghiệp trước tiên bạn phải là người khởi nghiệp, khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người, và khởi nghiệp cũng không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Trong khi đó, làm thuê chuyên nghiệp, làm tự do hay làm thuê cho chính mình, nếu được chọn và dấn thân theo đuổi thì tất cả con đường đó đều mang đến cơ hội thành công. Vĩ lẽ đó, tôi định hướng cuốn sách ở phạm vi rộng hơn, phù hợp với nhiều tầng lớp thanh niên hơn, đi từ những lựa chọn nhỏ nhất, căn bản nhất, từ một công việc ổn định, thu nhập đủ trang trải… cho đến những khát vọng lớn lao, và đó cũng là lý do tôi chọn từ “lập nghiệp” thay cho “khởi nghiệp”.

Ở phần này, có lẽ là phần trọng tâm nhất của cuốn sách, tôi sẽ cố gắng hết sức để đúc kết, chia sẻ đến bạn đọc về đặc điểm của từng con đường lập nghiệp ở quê, những thuận lợi và khó khăn của từng con đường ấy. Cùng với đó là những giải pháp, kinh nghiệm mà tôi đã từng thử áp dụng thành công để bạn đọc làm tư liệu tham khảo.

Chúc bạn đọc rút ra được những thông tin bổ ích và áp dụng thành công nhé!

Tuấn Trần

ĐẶT NGAY HÔM NAY
ĐẶT MUA NGAY HÔM NAY
[contact-form-7 id="1786" title="Form liên hệ 1"]
ĐẶT MUA NGAY HÔM NAY
[contact-form-7 id="1786" title="Form liên hệ 1"]