Sài Gòn – “Người thầy” đầu tiên 

Vào Sài Gòn, mục tiêu quan trọng nhất của tôi là thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư cơ khí, và may mắn đã đến với tôi khi tôi được học đúng trường và đúng ngành mình yêu thích. Trường Bách Khoa rất đẹp, có truyền thống và danh tiếng, nằm giữa lòng Sài Gòn, cây xanh rợp bóng. Ngoài đội ngũ giảng viên giỏi, cơ sở vật chất tốt thì điểm khiến tôi mãn nguyện hơn cả về trường cho đến tận bây giờ chính là ngôi trường này là “nơi hội tụ” của những con người tài giỏi, có tố chất và có cùng đam mê với tôi.

Sau những ngày chân ướt chân ráo lên đất Sài thành, tôi bắt đầu thích ứng được với sự năng động của Sài Gòn. Cái gì cũng nhanh, cái gì cũng vội, ngoài phố lúc nào cũng đông, còi xe inh ỏi. Khi đó chưa có Google Map, trong cặp của mấy đứa sinh viên ở tỉnh chúng tôi lúc nào cũng có cái bản đồ giấy. Cứ đến thứ Bảy, Chủ Nhật là tôi chuẩn bị sẵn vài chai nước với ít xôi bắp, rồi đạp xe đi khắp thành phố, vừa đi vừa dò đường, vừa cố nhớ tên đường chính và các công trình lịch sử như Dinh Thống Nhất, tòa nhà Ủy ban, các bảo tàng,… Chẳng bao lâu sau là tôi đã có thể tự mình đạp xe thoăn thoắt trên những nẻo đường của thành phố.

Ấn tượng đầu tiên của bạn đặt chân lên Sài Gòn là gì ?

Một bài học nữa mà tôi học được ở Sài Gòn là kiếm tiền mưu sinh. Sài Gòn “thượng vàng hạ cám”, nghĩa là sang giàu mấy cũng có mà bình dân mấy cũng có. Sài Gòn không dễ để thành đạt nhưng cũng không khó để kiếm sống qua ngày. Bán vé số, hàng rong, làm bảo vệ, công nhân, lễ tân, bồi bàn, dạy kèm,… Ngày nay còn có dịch vụ xe công nghệ, giao hàng nhanh,… thực sự rất nhiều việc để làm. Sài Gòn rất hào sảng và mến khách, nên dù bạn là ai, thanh niên hay người già, lao động phổ thông hay sinh viên, chỉ cần bạn chịu khó một chút là bạn có thể nhờ được người, tìm được việc, kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống qua ngày. Ngoài hai lớp dạy kèm, tôi nhận làm thêm dịch vụ bảo trì, nâng cấp máy tính, sửa điện dân dụng,… Nói chung là cứ ai quen biết, giới thiệu, hư đâu thì gọi đó. Mỗi lần tôi đạp xe đi làm cùng ít đồ nghề linh ta linh tinh là được vài chục hoặc trăm nghìn. Hầu hết bạn bè tôi đều ở tỉnh lên, đứa nào cũng phải đi làm thêm để có tiền trang trải, thậm chí có đứa làm giỏi, còn dư dả gửi về cho gia đình. Nhân đây, tôi xin được chia sẻ thêm với các bạn thanh niên có cùng hoàn cảnh với tôi. Đừng vì nghèo, vì khó mà bỏ học, mặc tương lai mình ra sao thì ra. Hãy mạnh dạn vào Sài Gòn hoặc những thành phố lớn – nơi cho bạn những bài học đầu đời. Dù khó khăn thế nào, chỉ cần bạn chăm chỉ kiếm tiền mưu sinh và học tập, bạn sẽ thu vén được chỗ ở, chỗ học và luôn tìm thấy cơ hội để thành công. Dù hoàn cảnh của bạn có bi đát đến mấy đi nữa thì Sài Gòn lúc nào cũng mở rộng vòng tay cưu mang bạn. Hãy bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình ngay khi có thể – để học tập, để trưởng thành, để bắt đầu hành trình lập nghiệp. Hãy ra đi để được trở về.

Sài Gòn còn là nơi có những con người nương tựa nhau. Mọi người từ thập phương đổ về, mang đến nét văn hóa du mục cho Sài Gòn. Có người đến với Sài Gòn để học tập, có người đến để làm lại cuộc đời, có người đến để làm giàu,… Mỗi người mỗi mục tiêu, mỗi hoàn cảnh, nhưng nhìn chung, ai đến với Sài Gòn cũng đã là tha phương cầu thực, cầu kiến thức, cầu thành công. Sài Gòn rộng lớn nhưng lại không sẵn có các mối quan hệ gia đình, họ hàng, láng giềng như ở quê. Mọi người trở nên đơn độc hơn, vì lẽ đó, ai cũng có xu hướng nương tựa vào nhau, đồng cảm, hỗ trợ lẫn nhau. Những ngày đầu là sinh viên, chúng tôi đã nương tựa vào nhau, rồi hình thành những nhóm nhỏ như bạn cùng lớp, cùng phòng trọ,… Chúng tôi giúp đỡ nhau trong học tập, chia nhau từng cái bánh, quả xoài của gia đình gửi vào. Những khoảnh khắc chia ngọt sẻ bùi ấy chính là hạt mầm, khởi nguồn nên thói quen làm việc nhóm, là cái gốc của sự đoàn kết, lâu dài đã hình thành nên văn hóa cộng tác, hợp tác của chúng tôi cho đến tận ngày hôm nay. Nương tựa không cho phép chúng tôi làm điều lớn lao một mình, và nương tựa đã giúp chúng tôi trở nên không cô đơn trong suốt hành trình lập nghiệp của chính mình.

Sài Gòn sẽ như thế nào nếu ta không có bạn bè, cộng sự?

Sài Gòn còn rèn cho chúng tôi khát vọng vươn lên. Sài Gòn dễ sống, nhưng Sài Gòn không nuôi ai. Tiền thuê nhà tới tháng phải đóng, sách vở hết phải mua, học hành phải tốn, cơm ăn nước uống, gửi xe,… nói chung tất tần tật, từ lớn tới nhỏ đều phải trả tiền. Không có tiền là không có đường sống ở Sài Gòn, nên ai cũng phải miệt mài làm việc. Ở Sài Gòn, chúng tôi tranh đua nhau gay gắt ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Vốn dĩ đậu được vào đây thì đều đã là “gà chọi”, nên bạn nào cũng rất nỗ lực trong học tập, học để có học bổng, học để du học, học để có cơ hội việc làm ở các tập đoàn,… Ra trường, ai cũng mong có được công việc tốt, lương cao, tích lũy, mua được căn chung cư hay lô đất cất nhà, tiếp sau đó là xây dựng sự nghiệp. Ở Sài Gòn, dù bạn là ai, đã thành công hay chỉ mới bắt đầu… bạn không thể dừng lại, chỉ có thể không ngừng vươn lên.

Sài Gòn như “người thầy” đầu đời của tôi vậy. Mảnh đất này đã mang đến cho tôi nhiều kiến thức, trải nghiệm, cơ hội nghề nghiệp, những mối quan hệ lớn, những người anh, người chị thành đạt, những nhà chuyên môn ở trình độ rất sâu và rất cao.

Tôi biết ơn Sài Gòn vì những điều ấy.

Tuấn Trần

ĐẶT NGAY HÔM NAY
ĐẶT MUA NGAY HÔM NAY
[contact-form-7 id="1786" title="Form liên hệ 1"]
ĐẶT MUA NGAY HÔM NAY
[contact-form-7 id="1786" title="Form liên hệ 1"]