Làm chủ doanh nghiệp, được tự do, được danh tiếng, địa vị, có thu nhập cao và được xã hội ghi nhận. Tất thảy sự hấp dẫn đó đã tác động đến các bạn trẻ hiện nay, và hầu hết bạn nào cũng khát khao sớm khởi nghiệp. Nhưng tiếc rằng, khởi nghiệp là một hành trình vô cùng khó khăn, không phải ai cũng phù hợp. Bằng trải nghiệm, đúc kết, tôi rút ra một số trường hợp chưa nên khởi nghiệp, hoặc những ai không nên khởi nghiệp để tránh những tổn thất không đáng có, các bạn tham khảo nhé:

1. Không có đích đến.
Đây là trường hợp vô cùng phổ biến, mới bắt chuyện thì thấy các bạn có rất nhiều ý tưởng hay nhưng khi hỏi kỹ, hoặc qua một thời gian ngắn thì sẽ nhận ra các bạn thường không thực sự biết mình muốn gì? Dấu hiệu khá dễ nhận biết là các bạn rất dễ hào hứng với một ý tưởng, đề xuất, rủ rê nào đó… lúc bắt đầu thì vô cùng khí thế, làm ngày làm đêm… nhưng cái sự giảm dần khí thế đó rất nhanh và chóng vụt tắt. Hành trình của các bạn này là một chuỗi ngày zích zắc, vào việc nhanh, bắt đầu hăng say, đi được 50-70% là đi vào bế tắt, rồi bỏ, rồi lại làm cái khác, vòng lặp này sẽ chạy mãi và không có việc nào đến được đích, vì cái gốc rễ là bên trong chính bạn đã không có đích nào để đến. Khác hẳn với những bạn thực sự có tố chất khởi nghiệp, bất kỳ việc gì, cho dù là những công việc hàng ngày hay một mục tiêu lớn dài hơi, các bạn cũng rất tập trung, theo đuổi, và làm mọi cách để đạt được kết quả rõ ràng, cầm nắm được.
2. Cái gì cũng biết.
Những bạn này rất giỏi hóng chuyện và nhớ chuyện, các bạn có mặt hầu hết ở các nhóm khởi nghiệp, các chương trình đào tạo, hội thảo, đọc thường xuyên các bài báo, bài viết, kể cả sách vở, có cơ hội gặp và tiếp xúc rất nhiều anh chị đã thành chủ doanh nghiệp… Kể từ đó mà các bạn này biết rất nhiều, từ cổ chí kim, nhắc tới ai, làm gì, thậm làm thế nào… tất thảy đều không nằm ngoài sự hiểu biết của các bạn ấy. Nhưng thực tế, đây lại là những bạn khó có thể khởi nghiệp thành công. Vì khởi nghiệp thường yêu cầu tính thực chiến hơn là một thư viện kiến thức. Người khởi nghiệp thường có khả năng vận dụng rất giỏi, rất thành thạo những gì họ có, thậm chí biến cái không có thành có. Họ thường tập trung vào việc họ đang làm và chỉ tìm kiếm những gì thực sự có ý nghĩa cho việc đó hơn là dành thời gian quan tâm đến những việc không cần thiết. Nôm na, người khởi nghiệp thực chiến chỉ biết và sẽ biết những gì thực sự cần biết.
3. Sợ đau.
Đây là nhóm rất dễ bị tổn thương. Các bạn thường ngại va chạm, sợ tổn thất hay mất mát… Chỉ cần nghe khách hàng, anh chị đi trước phản hồi không tốt, đánh giá hơi thấp, hay qóp ý quá lời xíu là cảm thấy tự ái, tự ti, buồn bực. Chỉ cần thất bại vài ba vụ là thành “chim sợ cành cong”. Chỉ cần đổ vỡ vài ba lần hợp tác, tranh chấp dăm ba trận là hờn trách, nhìn ai cũng thấy vụ lợi… Điều này là trái ngược với yêu cầu gần như tối thiểu của một người khởi nghiệp thành công, đó chính là lì đòn. Cái vòng tròn “Làm – Thất bại – Trả giá – Đau đớn – Khắc phục – Rồi tiếp tục Làm…” sẽ lặp mãi cho đến khi loại hết cái yếu kém, cái ngộ nhận… thì cuối cùng mới có một thành công. Nhìn vào cái vòng lặp, thì tất cả như mắc xích kết nối với nhau, chỉ cần bạn sợ đau đớn thôi thì đồng nghĩa làm đứt cả sợi xích và sẽ không thể thành công.
4. Cố chấp.
Cố chấp thực sự rất khác tính lập trường hay kiên định. Người cố chấp thường chỉ thấy lỗi ở người khác hơn là thừa nhận một vài vấn đề nào đó của mình. Người cố chấp luôn có đầy đủ lý do, có thể nói là có cả một thiên đường lý do để bảo vệ cách làm của mình. Kết luận cuối cùng thường là xui thôi, lựa chọn chưa phù hợp thôi. Mà càng cố chấp thì khả năng lắng nghe càng kém lại. Lắng nghe kém + không thừa nhận vấn đề của mình thì trăm năm vẫn như cũ là vũ như cẩn. Một cách làm cũ thì cho đến bao giờ mới có kết quả mới? Khác với tính kiên định của một người khởi nghiệp thực sự, kiên định là xác lập chính xác mục tiêu, hành trình đã chọn. Nhưng trên suốt hành trình đó, họ luôn uyển chuyển thay đổi cách làm, điều chỉnh liên tục để thích nghi với từng vấn đề cụ thể. Vướng gì, gặp sự cố gì là họ lên mạng, gọi điện, thậm chí bay nghìn km để tìm cao nhân, từ đó cùng nghiên cứu, phân tích, tìm ra chân tơ kẻ tóc vấn đề, có bài học để áp dụng, điều chỉnh, và cuối cùng là luôn tốt hơn mỗi ngày.
5. Lưng chừng.
Các bạn này thường hay bàn luận rất nhiều, nhìn đâu cũng thấy rủi ro, và thấy rủi ro là sợ hơn là tìm cách kiểm soát nó. Cùng lúc các bạn luôn đứng trước nhiều lựa chọn. Chân đứng trên bờ, đầu óc tưởng tượng đủ loại cảnh đẹp dưới thủy cung nhưng lại sợ xuống nước và chẳng thể nào dám bước lên tàu. Cứ thế, tiến không tiến, lùi không lùi, không dám quyết gì. Ngồi bàn luận với các bạn này rất mất thời gian, gặp lần một, phân tích lần hai, trao đổi, làm rõ lần ba… nhưng cuối cùng vẫn không thể đi đến đâu. Cột, rào, trói, buộc, bảo đảm… là những thứ mà các bạn ấy ưu tiên dùng nhất. Khác với người lưng chừng, người khởi nghiệp thực sự rất quyết liệt và vô cùng quyết đoán, chỉ cần nhìn thấy khả quan, thấy cơ hội, thấy một tỷ lệ thành công đủ tốt là sẽ có ngay những quyết định cụ thể. Ngay khi quyết, họ cũng đã có sẵn dự phòng cho trường hợp có lỡ thất bại rồi.
Trên đây là 5 nhóm phổ biến nhất, rất khó khởi nghiệp để thành công. Khởi nghiệp là một hành trình đầy chông gai, đòi hỏi rất nhiều tố chất vừa hiếm vừa khó, đòi hỏi nghị lực, nỗ lực phi thường. Nên các bạn cần cân nhắc thấu đáo trước khi bắt đầu, và đã bắt đầu thì phải dấn thân, theo đuổi tới cùng. Không nên nhìn khởi nghiệp là một phép thử các bạn à, vì những thất bại đến từ khởi nghiệp có thể để lại những hậu quả vô cùng lớn, làm hỏng cả tương lai, sự nghiệp và cuộc đời các bạn.
Thanks.
Tuần Trần.
Tham khảo thêm các chia sẻ thú vị khác của tác giả tại đây
Truy cập vào website để cập nhật đầy đủ các bài viết mới nhất