Xạ là hương thơm, hữu là có, hữu xạ tức là có hương thơm. Ý chỉ một người, một vật có cái chất thực sự từ bên trong.
Cũng như là loài cây, có cây thì hoa đầy sắc thắm, ngát hương thơm, có cây thì trái trĩu cành, mọng nước, hấp dẫn, cuốn hút đến vô cùng. Nhưng có cây hoa không là bao, mà trái chẳng là mấy… nhìn nhỏ thó, mỏng manh, xấu xí là vậy nhưng khi nhổ lên thì chằn chịt củ bên dưới, giá trị vô cùng (nhân sâm).
Cũng như loài chim, loài Công thì khoát trên mình bộ lông vũ lộng lẫy sắc màu nhưng tiếng kêu thì chỉ có “cà tút cà tút”. Họa mi thì bộ dạng đơn sắc, xấu xí nhưng hót hay đến mức giới nghệ sĩ chơi chim phong tặng cho danh hiệu “tiếng hót của núi rừng”.
Tương tự, có người hấp dẫn bởi diện mạo, trang phục, phấn son… nhưng có người càng nói chuyện ta càng thấy thú vị và cuốn hút. Thể hiện ra bên ngoài, hay đi sâu vào bên trong… còn tùy vào cảm nhận và góc nhìn của mỗi người.
Tôi không luận bàn, hay so sánh, vì chim công có giá trị của chim Công, Họa mi có giá trị của Họa mi. Vạn vật trên đời đều có lý do để tạo hóa tạo nên, và đều có những giá trị rất riêng của mình. Ai biết trân quý, phát huy những giá trị riêng đó thì vui vẻ, hạnh phúc, ai quên cái của mình và chạy theo người khác thì mệt mỏi, đớn đau.
Trải qua những năm dài thất bại đến lên bờ xuống ruộng, tôi nhận ra rằng “Không một sản phẩm nào tự nhiên mà có, không một người nào tự nhiên mà thành”, đằng sau đó là cả một kho báu kiến thức, kinh nghiệm, với hằng hà câu chuyện thú vị… Mỗi sản phẩm, mỗi thương hiệu, mỗi con người là cả một cuốn sách đáng đọc. Từ đó, tôi có thói quen quan sát, tìm kiếm những giá trị riêng của một sản phẩm, một thương hiệu, cũng như cách mà người ta đã tạo ra chúng.
Khi biết “Vua hồ tiêu” đi làm cafe, tôi ngạc nhiên lắm. Vì thâm nhập ngành hay chuyển đổi ngành là việc làm siêu khó, đặc biệt là những người đã làm ở quy mô lớn. Rất nhiều trường hợp người ta buộc phải chuyển đổi vì ngành cũ “hết ăn. Nhưng có những trường hợp lại là một lựa chọn vì đam mê, chinh phục. Đã vậy, trong ngành cafe, ở một đất nước trồng cafe, và đâu đâu cũng cafe, với hằng hà thương hiệu đến kiểu cách, mọi thứ bảo hòa tới mức, tôi không hình dung ra được người ta sẽ có thể làm thêm được điều gì với thứ thức uống này.
Tôi là người mù tịt với ẩm thực, và được xếp vào nhóm không uống được cafe. Uống vào là say, đói một chút là tuột đường huyết… nghiệt ngã là tôi rất khó khởi động một ngày làm việc khi thiếu một ly cafe, có lẽ bị thói quen chi phối. Đã vậy, nhiều năm nay, đặc thù công việc của tôi gắn liền với “chém gió”, nên ngày nào tôi cũng phải rê ra hết quán này tới quán khác. Mỗi lần như vậy đều phải gọi ra một ly cafe, nhưng không để uống mà chỉ để ngửi chút mùi, hớp vài ngụm nhỏ chỉ để gọi là.
Ngày hôm qua, tôi có một đề bài của một người anh, cần phải lục lại kiến thức của những năm tháng công trường. Tôi cần một quán cafe để ngồi đồng cả buổi chiều cho đề toán ấy. Cuối cùng, tôi quyết định tìm đến quán Cafe của Vua hồ tiêu để thử.
Thế là K-Coffee đã lấy đi của tôi hơn 30 phút chỉ để xem từng cách bài trí đến bao bì. Thực sự rất chỉn chu và khác biệt. Và tôi đã dành cả buổi chiều ở 223 Phan Xích Long chỉ để thưởng thức trọn vẹn một ly cafe và say sưa giải bài toán của anh mình – đầy hưng phấn.
“Nhìn say uống không say”, đó chính là thông điệp tôi muốn gửi đến những ai đã tạo ra chúng.
Thực sự đó là một lựa chọn tốt cho những ai bị say cafe nhưng lại thích uống cafe như tôi.
***
“Ở đời hữu xạ tự nhiên hương”, những giá trị được đầu tư nghiêm túc và làm tới tận cùng sẽ trở nên có sức hấp dẫn đến phi thường.
P/s: Thụy sĩ là một quốc gia không trồng cafe nhưng mỗi năm lại mang về nguồn thu tới những vài tỷ đô la nhờ xuất khẩu cafe. Trái ngược hoàn toàn với Việt Nam, nên không gì hơn là cầu chúc cho Việt Nam có nhiều hơn nữa các thương hiệu cafe lớn, hướng tới chế biến sâu và xuất khẩu.
Thanks.