Khủng hoảng truyền thông (KHTT) là một dạng tai nạn nghề nghiệp khá phổ biến với người làm kinh doanh, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau để dẫn đến một khủng hoảng truyền thông: phát ngôn cẩu thả, bị đối thủ hại, khách hàng bóc phốt… Khủng hoảng truyền thông có kịch bản chung là một câu chuyện đầy bất ngờ, sai khác hoàn toàn cách hiểu lâu nay của phần lớn mọi người, nhờ được tiếp thêm năng lượng của sự tò mò, nhiều chuyện mà sai khác đó được thêu dệt thêm và lan truyền với tốc độ nhanh rộng khủng khiếp… làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của một cá nhân hay thương hiệu nào đó. Khủng hoảng truyền thông sẽ đến với người kinh doanh ít nhất một vài lần trong đời, tùy tình huống cụ thể, khả năng xử lý và sự chuẩn bị mà mức độ thiệt hại cũng rất khác nhau.
Ngày nay, nhờ các công cụ online mà lượng thông tin đến và đi cũng rất nhanh, người ta nhanh nghe thấy và cũng nhanh quên đi, nên việc ứng phó với một cuộc KHTT cũng có phần thay đổi. Và mỗi khi khủng hoảng truyền thông xảy ra, việc khó nhất của người trong cuộc là ngồi thật yên một chỗ. Vì sao? Vì đó là lúc đỉnh điểm nhất của sự tàn bạo, đúng nghĩa đôi tai nhân gian chưa từng độ lượng.
– Hình ảnh, bài viết xấu về bạn/sản phẩm được thi nhau đăng trên mạng, rồi hằng hà những comment dạng té nước theo mưa.
– Những người có mối liên hệ với bạn sẽ nhắn tin, gọi điện… mà phần lớn trong số đó là tò mò, hóng chuyện chứ không nhiều người thực sự muốn giúp đỡ bạn.
– Những người có nguy cơ bị thiệt hại như khách hàng, chủ nợ, đối tác… Họ sẽ ngay lập tức trả hàng, đòi nợ, hủy hợp tác…
– Những đàn kềnh kềnh sẽ vây lấy bạn, với đủ loại sản phẩm “giải cứu KHTT”, nào đi bài đính chính, nào đàm phán với đối thủ, nào phục hồi thương hiệu…
– Những quân sư quạt mo, anh hùng rơm cũng hiện lên, mỗi người khuyên bạn một kiểu. Lắm thầy thì nhiều ma, bạn sẽ không biết đâu mà lần.
Và đối thủ thì liên tục tấn công, tất thảy tụ thành một cơn lốc, muốn xé toạc mọi khả năng chịu đựng của bạn. Bạn sẽ làm gì với nó? Bằng kinh nghiệm của mình, tôi khuyên bạn là tìm mọi cách để có thể bỏ ngoài tai mọi thứ và ngồi thật yên, ngồi thật yên trên đống lửa, lúc đó bạn mới thấm câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Ngồi thật vững mọi việc sẽ qua”.
Những việc bạn cần phải làm:
– Thông báo gọn đến người thân, bạn bè, những người thật sự thương yêu bạn nhất biết cơ bản về sự việc và bạn vẫn ổn để họ không quá lo lắng cho bạn.
– Gửi lời xin lỗi đến khách hàng, đối tác vì đã để xảy ra sự việc không đáng có này và xin nhận trách nhiệm với những thiệt hại của họ. Uy tín của bạn, sự thật về bạn sẽ nằm ở cách hành xử và khả năng nhận trách nhiệm của bạn chứ không nằm ở sự bào chữa, đôi co, phải trái đúng sai với những ồn ào. Nên tuyệt đối không giải thích, loằng ngoằng dây điện với khách hàng, đối tác, với đối thủ thì càng không.
– Tạm thời không đón khách lạ, tức chặn comment người lạ trên các trang của bạn. Hạn chế tiếp chuyện với những đầu số lạ. Đặc biệt là những kênh dịch vụ. Cách này giúp bạn chặn được các chú kềnh kềnh và những ngòi bút bẩn.
– Nên tương tác riêng, hoặc các nhóm nhỏ, dưới 10 người. Những nhóm đặc biệt là trên Zalo, Facebook, lên hàng chục, thậm chí trên 100 người là dứt khoát không. Vì trong số đó, bạn không thể lường trước ai thật ai hư, thậm chí đối thủ cài cắm người vào đó để đọc hiểu về bạn, từ đó mà sáng tạo ra rất nhiều thủ đoạn tấn công. Đây cũng là bài học xương máu dành cho các bạn gom trứng vào một rổ, tức gom hết khách hàng vào một group, tiện thì tiện đấy nhưng lợi bất cập hại.
– Tìm kiếm cho mình một người thực chiến, từng có kinh nghiệm để hỗ trợ bạn. Người đó có thể là bạn, thầy, anh chị em, thậm chí là người lạ. Cố gắng cẩn trọng và tìm đến người đáng tin cậy và thực sự có tâm.
Cho dù xảy ra theo cách nào, dù đúng người đúng tội hay oan sai thì cũng phải hiểu rằng không gì tự nhiên mà có cả, sau KHTT bạn sẽ nhận ra khá nhiều điều:
– Thứ nhất, bỏ bớt cái tật nói láo, bốc phét, không có tìm cách nói cho có. Không phải của mình mà tìm cách rêu rao như thể của mình. Trong bán buôn, mông má là việc phải làm, nhưng tốt nhất đừng biến tướng nó.
– Thứ hai, bỏ bớt cái tật tự phong, cao ngạo. Đây là bệnh phổ biến của những đứa một bồ lý thuyết, học thuyết, mới có được một chút thành công bước đầu là nghĩ chân cẳng mình đã chạm được ông trời rồi, tự phong cho mình tài năng, hơn người, am tường hiểu tận, tầm nhìn xa trông rộng, coi trời bằng vung… Cái kiểu nhìn thôi đã thấy ghét, ngay cả những người chưa từng biết, chưa từng làm gì chung chạ, nhưng nhìn cái kiểu đã thấy vênh váo ấy là đã muốn múc cho một phát rồi… thì bảo sao không chết. Mỗi người họ phun cho một nhúm nước bọt cũng đã lụt não mà chết rồi.
– Bỏ bớt cái tật cẩu thả. Làm không nhìn trước ngó sau, nói không uốn cái lưỡi, không đoái hoài quan tâm tới việc mình làm có ảnh hưởng, phương hại đến ai không, có gây thù chuốt oán, có hở ba sườn? Môi hở thì răng lạnh, hớ hênh thì phải chấp nhận ăn đòn.
Một cuộc KHTT là cần thiết để rèn cho bạn khả năng chịu áp lực, hiểu thế nào là giá trị của việc làm thật, giúp bạn nhìn lại mình, phân loại được bạn bè, khách hàng… Nên xét cho cùng, cho dù thiệt hại đến mức nào thì những bài học ấy sẽ là vô giá, nó đến sớm thì bạn học được sớm, từ đó góp phần làm nên thành công bền vững về sau của bạn.
Trước khi kết thúc bài dài này, tôi muốn nhắc lại một lần nữa thông điệp chủ của bài viết này chính là “năng lực ngồi yên”, ngồi yên ở đây không phải là bất động, né tránh trách nhiệm và phó mặc mọi việc xảy ra. Mà ngồi yên ở đây là một dạng bản lĩnh, một tinh thần thép trước sóng gió, nói thì nghe dễ vậy, chứ đụng chuyện bạn sẽ thấy việc ngồi yên sẽ khó khăn đến mức nào. Vì bạn muốn ngồi yên được thì trước tiên nội tâm phải vững vàng, mà muốn nội tâm vững vàng thì không còn cách nào khác bạn phải là người thật: sản phẩm thật, kiến thức thật, trải nghiệm thật… cái thật càng thuần khiết bao nhiêu thì khả năng ngồi yên của bạn sẽ càng tốt bấy nhiêu.
Thanks.
Tuần Trần.
Tìm hiểu thêm các chia sẻ hay khác của tác giả tại đây
Truy cập vào website để xem thêm các bài viết hay khác